fashion woman notebook pen

Journaling – cách tôi ghi chép hằng ngày

Tôi bắt đầu viết nhật ký từ khi còn bé xíu, từ hồi mà những cuốn sổ có khóa mật mã với những hình ảnh, màu sắc dễ thương đang làm mưa làm gió trong giới học sinh. Tôi vẫn duy trì thói quen viết đến tận bây giờ, dù không đều đặn như xưa và cũng không chỉ đơn thuần là “nhật ký” nữa. Qua thời gian, cách thức tôi ghi chép cũng thay đổi khá nhiều. Khi Internet trở nên phổ biến, bên cạnh những cuốn sổ ghi chép thông thường, tôi có thêm WordPress để chuyện trò, kể lể về cuộc đời mình. Rồi sau đấy là Evernote, iNotes để ghi chép nhanh ý tưởng/ suy nghĩ hay Google Drive để lưu trữ dữ liệu, Trello để quản lý thời gian/dự án cá nhân …

Tuy nhiên sau một thời gian ghi chép như vầy, tôi bắt đầu thấy “ngợp” và “hoảng loạn” vì dường như tôi viết mọi nơi mà không hề có hệ thống gì cả. Mãi cho đến khi trải nghiệm thử Notion và “fell in love” với em í, tôi mới quyết định gom hết tất tần tật mọi thứ vào một chỗ và tổ chức lại toàn bộ việc ghi chép của mình. Thành thực mà nói, Notion không phải là một công cụ hoàn hảo về mọi mặt, nhưng đây đích thực là công cụ ghi chép tôi cảm thấy hài lòng nhất từ trước tới giờ.

Cách đây không lâu, tôi nghĩ mình nên viết một bài chia sẻ về cách tôi ghi chép hằng ngày (journaling) vì biết đâu, có thể ai đó sẽ thấy hữu ích. Và tôi cũng muốn lưu lại đây, trên blog này, như một nguồn tư liệu về quá trình học hỏi, trải nghiệm và trưởng thành của mình.

Về cơ bản, việc ghi chép của tôi được tổ chức và phân loại như sau:

  • Nhật ký hằng ngày: kết hợp sổ ghi chép thông thường (sổ giấy) và Notion
  • Sổ tay kế hoạch: Notion
  • Sổ tích lũy: Notion
  • Morning Pages: sổ giấy
  • Nhật ký chữa lành: sổ giấy

Dưới đây là nội dung chi tiết về cách tôi ghi chép.

Nhật ký hằng ngày (Diary)

Thực ra, “nhật ký” theo định nghĩa phổ biến chung là việc ghi chép lại những suy nghĩ, cảm xúc và sự việc diễn ra trong ngày. Nhưng tôi không muốn bị giới hạn bởi định nghĩa này, vậy nên với tôi, “nhật ký” là những ghi chép mang tính cá nhân về ti tỉ thứ trên đời, là nơi tôi tự do biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc của mình, là nơi tôi sáng tạo, suy ngẫm lại bản thân, hồi tưởng về quá khứ và đồng thời “tận hưởng” hiện tại. Với nhật ký, tôi chủ yếu dùng sổ giấy là chính nhưng trên Notion của mình, tôi vẫn có một trang dành riêng cho những ghi chép này (khi cần). Tôi còn mong muốn số hóa mấy cuốn journal của mình để dù có đi đâu tôi cũng có thể xem lại, và như một cách backup dữ liệu, trong trường hợp mấy cuốn journal bỗng một ngày đi lạc. Cơ mà có lẽ lúc này chưa phải là thời điểm phù hợp vì công việc số hóa mất khá nhiều thời gian… ☹️

Cuốn nhật ký của tôi thường gồm các phần chủ yếu là:

  • Gratitude Journal (nhật ký biết ơn): Nhật ký biết ơn hay nhật ký phúc lành là nơi tôi viết ra những điều tôi biết ơn trong ngày. Tôi không có một tiêu chuẩn cụ thể về số lượng những điều mình biết ơn, cũng không đặt bất kỳ giới hạn nào cho nó. Trong mọi buổi chia sẻ hay nghi thức chữa lành, “biết ơn” là điều luôn được tôi chú trọng. Chúng ta có xu hướng biết ơn những điều tích cực, đẹp đẽ, những điều mang đến an vui, mà quên mất rằng, những nỗi đau, những khó khăn, thử thách, những điều mà ta nghĩ “thật xấu xí, xui xẻo” cũng đáng được trân trọng. Từ hồi thực hành lòng biết ơn, tôi thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
  • Logbook of Delights (nhật ký niềm vui): Cách đây không lâu, tôi bắt đầu bổ sung thêm phần nội dung này vào cuốn nhật ký của mình. Logbook of delights hay Nhật ký niềm vui của tôi lấy cảm hứng từ cuốn The Book of Delights: Essays (bởi Ross Gay). Cuốn sách này là tập hợp các bài viết ngắn ghi lại những niềm vui nhỏ mà Ross trải nghiệm trong suốt một năm. The Book of Delights đã mang đến cảm giác ấm áp, vui tươi cho không ít người, bao gồm cả tôi. Bất chợt tôi nhận ra, chỉ đọc lại những niềm vui của một người lạ thôi cũng đã khiến tâm hồn tôi tươi vui như thế này, vậy nếu đó là những nềm vui của bản thân thì chẳng phải sẽ thú vị hơn sao? Vậy là tôi quyết định tạo The Book of Delights cho riêng mình. Cũng như Ross, tôi ghi chép lại những điều nho nhỏ làm tôi thấy vui, như việc leo lên sân thượng ngắm trăng, xem một bộ phim hay ơi là hay, nghe bản jazz yêu thích khi nằm ngắm mưa rơi ngoài cửa sổ,… Tất nhiên không phải ngày nào của tôi cũng tràn ngập những niềm vui, những điều hay ho thú vị. Thế nên tôi không buộc mình phải viết vào mục “logbook of delights” đều đặn mỗi ngày. Nhưng dẫu có thế nào thì với tôi, “logbook of delights” giống như Mr. Sunshine vậy 🙂
  • Random Writings: Đây là nơi tôi ghi chép lại những suy nghĩ, quan sát, cảm xúc, trải nghiệm của mình trong ngày. Ngày hôm nay, tôi trải qua những gì, tôi đã làm gì, tôi học được bài học gì, tôi cảm thấy như thế nào,…. tất tần tật từ những điều vu vơ, nhỏ bé đến những quan sát lặng lẽ hay những suy nghĩ nghiêm túc… tôi cho cả vào đây.
  • Dream Journal: Từ khi bắt đầu đi theo con đường chữa lành, tôi ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của những giấc mơ. Nhưng mãi cho tới gần đây tôi mới thực sự nghiêm túc với việc ghi chép lại giấc mơ của mình. Dream Journal vừa giúp tôi không quên những giấc mơ, vừa là công cụ hỗ trợ tôi phát triển trực giác và đón nhận thông điệp từ (hay đúng hơn là giao tiếp với) Vũ trụ.

Sổ tay kế hoạch (Planner)

Thành thực mà nói, tôi không phải là người giỏi lập và thực hiện theo kế hoạch. Tôi ưa sự linh động, thoải mái và từng cực kỳ ghét to-do list. Nhưng với nét tính cách mơ mộng, ngẫu hứng và thiếu tập trung của một INFP, tôi cần to-do list (hay đúng hơn là planner) để níu mình lại bằng không tôi sẽ bay khỏi mặt đất ngay lập tức. Cho tới giờ tôi vẫn rất tệ trong việc planning như này nhưng ít ra tôi đang cố gắng duy trì nó (dù khó khăn vô cùng). Trước tôi có dùng cuốn Bullet Journal để lên kế hoạch cho từng ngày, từng tháng. Bạn có biết mấy cuốn Bullet Journal xinh xinh mà ai ai cũng mê mẫn không? Như mấy cuốn này này… Là một người mê cái đẹp (:) tôi từng thích cực thích những cuốn Bullet Journal xinh xắn với đầy cỏ cây hoa lá và những chiếc sticker vintage siêu đáng yêu. Tôi có thể ngồi cả ngày dài trang trí cuốn sổ với ti tỉ những thứ nhỏ xinh như vầy, rồi nắn nót từng nét chữ với chiếc bút dạ màu… Và rồi khi cuộc sống trở nên bận rộn hơn, Bullet Journal cũng dần rơi vào quên lãng. Việc dành thời gian ngồi trang trí từng chút cho cuốn Bullet Journal không còn nằm trong danh sách những thú vui được tôi ưu tiên nữa. Tôi chuyển qua dùng Trello như một công cụ lên kế hoạch và quản lý thời gian. Và hiện tại thì là Notion (tôi là fan trung thành của Trello suốt 7 năm ròng. Đến giờ Trello vẫn nằm trong top những công cụ quản lý thời gian/công việc mà tôi ưng ý. Nhưng tôi cần một công cụ “all-in-one” như Notion).

Planner trong Notion của tôi gồm các phần chính là:

  • Habit tracker – mục theo dõi thói quen: Habit Tracker giúp tôi nhìn rõ hơn quá trình thực hành những thói quen lành mạnh của mình, qua đó tạo động lực để tôi sống cân bằng hơn. Thực ra nếu đã trở thành những thói quen thì có lẽ việc theo dõi không còn cần thiết nữa, nhưng tôi nhận thấy Habit Tracker cực hữu ích trong giai đoạn ban đầu – giai đoạn hình thành thói quen.
  • Emotional check-in: Như một cách lắng nghe cảm xúc của bản thân, cứ mỗi ngày tôi ngồi lại và hỏi chính mình xem ngày hôm nay tôi cảm thấy như thế nào, mức năng lượng ra sao rồi điền nhanh vào cột emotional check-in. Tôi có đặt ra 5 mức – terrible (cực tệ), bad (tệ), fine (ổn), good (tốt), và great (tuyệt vời).
  • Daily tasks: Đây chính là mục quan trọng nhất trong planner và cũng là lý do tôi dùng planner. Daily tasks là danh sách những công việc tôi cần làm hằng ngày. Thường thì mỗi ngày sẽ có một công việc chính (kiểu “the one task”) mà tôi cần hoàn thành trong ngày và có thể bổ sung thêm những công việc nho nhỏ khác nếu muốn. Vì không giỏi khoản to-do list nên tôi hạn chế liệt kê một danh sách dài các công việc rồi ép buộc mình phải làm theo (tôi thường có xu hướng chống đối khi mọi thứ trở nên quá nghiêm ngặt, quy củ, tôi thích sự linh hoạt, tự do hơn). Thay vào đó, tôi chỉ xác định rõ MỘT việc quan trọng nhất mà tôi cần tập trung mỗi ngày. Những công việc nhỏ kia thì chỉ giống như reminder (nhắc nhở) để tôi không quên chứ không phải là một nhiệm vụ tôi bắt mình phải hoàn thành.

Sổ tích lũy (Commonplace Book)

Ngày xưa bên cạnh sổ nhật ký,tôi còn có cả những cuốn sổ tích lũy. Trong những cuốn sổ này, tôi ghi lại lời bài hát yêu thích, câu trích dẫn hay bài thơ hay … Rồi bẵng đi một thời gian, khi điện thoại, máy tính, Internet phổ biến hơn, tôi không còn ghi chép những điều này nữa. Vì rõ ràng, với Google, tôi có thể tra lời bài hát chỉ trong nháy mắt, câu trích dẫn hay thơ văn cũng đầy rẫy trên mạng mà. Mãi cho tới gần đây, khi biết tới khái niệm Commonplace Book, tôi nhận ra mình cần một thứ như thế này để lưu trữ những điều học được và dễ dàng tham khảo khi cần. Bình thường khi đọc sách giấy, chủ yếu tôi chỉ dùng bút highlight đoạn hay. Đọc ebook thì thuận tiện hơn nhiều vì đã có tính năng highlight và ghi chú. Nhưng quả thực nếu chỉ đọc rồi highlight rồi để đó thì mọi thứ hay ho tôi đọc được sẽ dần trôi vào quên lãng chẳng hay. Tôi cần Commonplace Book để hệ thống lại những kiến thức hữu ích mà tôi học được qua sách báo, phim ảnh, âm nhạc, podcast,… Và Notion là lựa chọn lý tưởng cho một Commonplace Book như vầy.

Trang viết buổi sáng (Morning Pages)

Tôi biết đến Morning Pages khi đọc cuốn The Artist’s Way của Julia Cameron. Theo Julia, Morning Pages đơn giản là ba trang giấy (viết tay) mà bạn viết tự do vào buổi sáng ngay sau khi thức dậy. Bạn có thể viết về mọi thứ trên đời mà không cần phải đắn đo, cân nhắc, chỉnh sửa gì cả. Bạn chỉ đơn thuần để bản thân được thả lỏng, để mọi tâm tư, suy nghĩ của mình được trôi theo chuyển động của cây bút.

Đối với tôi, Morning Pages là một liệu pháp chữa lành (writing therapy), một công cụ để bạn sáng tạo, một sợi dây để bạn kết nối với chính bản thân mình. Và tất nhiên, tôi chỉ viết Morning Pages trên giấy mà thôi. Tôi thích cảm giác ngồi lại, hít thở vài hơi thật sâu, thả lỏng toàn thân rồi bắt đầu để mọi suy nghĩ tuôn trào. Morning Pages giống như một nghi thức buổi sáng vậy.

Nhật ký chữa lành (Healing Journal)

Tôi có một cuốn sổ tay nhỏ dành riêng cho việc thực hành tâm linh và chữa lành. Cuốn sổ này không đơn thuần là một cuốn sổ ghi chép thông thường. Tôi xem nó như một hũ năng lượng – nơi chứa đựng những năng lượng tích cực, những năng lượng có tần số rung động cao. Khi tôi cảm thấy năng lượng của mình bị tắc nghẽn hay cạn kiệt, Healing Journal là nơi đầu tiên tôi ghé thăm. Ở đây, tôi ghi chép lại những câu Mantra, những thông điệp tôi nhận được từ Vũ trụ hay các bậc thầy tâm linh, những lời khẳng định tích cực, lời cầu nguyện, những lá thứ, lời nhắn nhủ yêu thương tôi dành cho chính mình,…

Đấy là cách tôi ghi chép ở thời hiện tại. Có thể trong tương lai, cùng với quá trình chữa lành và phát triển bản thân, tôi sẽ lại ghi chép theo kiểu mới. Dẫu có thế nào thì tôi vẫn biết ơn bản thân mình của quá khứ và của hôm nay vì đã không “bỏ rơi” thói quen ghi chép… Ghi chép (journaling) như một mỏ neo giữ tôi đứng yên trong suốt những giai đoạn ngổn ngang của cuộc đời. Nhưng suy cho cùng thì tôi nghĩ điều quan trọng không phải là chúng ta ghi chép những gì hay ghi chép như thế nào, mà quan trọng là chúng ta dành cho mình một khoảng lặng trong ngày, để lắng nghe và đối diện với chính mình.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.

Chúc bạn ngày an lành.

Just be,


2 responses to “Journaling – cách tôi ghi chép hằng ngày”

  1. Mai Avatar
    Mai

    Ý tưởng về logbook of delights hay quá. Cám ơn bạn đã chia sẻ! ♥️

    1. The Path of Mindfulness Avatar
      The Path of Mindfulness

      Mình cũng cực thích ý tưởng này. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết :’)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *