Trì hoãn vô hình chung đã trở thành căn bệnh kinh niên của nhiều người, trong đó có mình. Dù đã lập hết to-do list này đến plans hay schedules khác thì trì hoãn vẫn luôn là trì hoãn. Biết bao nhiều kế hoạch vẫn đang dang dở, bản thân ngày một trở nên thảm hại. Trong khoảng thời gian thực hiện gap year này, hi vọng sẽ cải thiện được đôi chút. Hôm nay, mình có ghé qua trang Psychology Today và bắt gặp bài viết này của Tiến sĩ Andy Molinsky – “How to stop procrastinating”. Chú có đưa ra một vài tip đơn giản để chữa trị căn bệnh hay trì hoãn.
80% sinh viên đại học được cho là những người hay trì hoãn. Nên chúng mình có thể yên tâm là căn bệnh này rất phổ biến chứ ko phải hiếm gặp, nhé!
Dưới đây là một số tips nhỏ để chống lại căn bệnh:
Bắt đầu ngày mới với công việc khó nhất (tất nhiên là chỉ khi bạn đủ sẵn sàng)
Đại văn hào Mark Twain từng có câu: Nếu điều đầu tiên bạn làm vào buổi sáng là ăn một con ếch sống thì suốt cả ngày hôm đó bạn sẽ không cần phải lo lắng gì cả (vì điều tồi tệ nhất bạn cũng đã vượt qua rồi). Bản thân chúng ta có thể hiểu câu nói ấy là nếu bạn chọn thực hiện công việc khó khăn nhất, thử thách nhất trong to-do list của mình đầu tiên, thì bạn sẽ làm xong hết mấy việc còn lại mà thôi. Tuy nhiên thì, không nhất thiết phải luôn là buổi sáng như Mark Twain nói. Bạn có thể hoàn thành nó vào bất cứ thời điểm nào bản thân làm việc hiệu quả nhất – sáng, trưa, chiều, hay tối, điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào bạn.
Siêu mau lẹ đối với những công việc ngắn, không đòi hỏi nhiều thời gian
Tác giả có nhắc lại một lời khuyên mà chú từng nhận được, là hãy sắp xếp hòm e-mail theo từng thư mục nhất định. Cụ thể như – các thư mục sẽ gồm: những e-mail cần trả lời vào ngày mai, những e-mail trả lời vào thứ Sáu, hay những thư trả lời vào tuần tới. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng phương pháp này, chú thấy không được hiệu quả. Vậy nên chú đã nghĩ ra một cách khác, đơn giản là hãy xem thật nhanh một lượt hòm thư, những e-mail nào có thể trả lời luôn thì trả lời ngay lập tức. Với cách này tiến sĩ không còn cảm thấy bị quá tải, hòm thư trông gọn ghẽ hơn, và mọi thứ dường như cũng hoàn thành nhanh chóng hơn, thay vì trì hoãn thư đến thứ Sáu.
Nói ra những dự định của bạn
Tạo một bản cam kết về những công việc bạn cần hoàn thành. Tốt hơn hết là công khai nó ra, tất nhiên bạn không nhất thiết phải nói với cả thế giới điều đó, chỉ cần nói với những ai thân thiết xung quanh bạn. Đó có thể là bạn thân, đồng nghiệp hay một nhóm bạn của bạn, những người thường xuyên ủng hộ bạn, sẵn lòng lắng nghe bạn. Một khi cảm thấy bản thân có trách nhiệm đối với những lời mình nói ra, bạn sẽ có xu hướng làm thật tốt những dự định đó.
Tự thưởng bản thân sau những chiến công nho nhỏ
Thường thì người hay trì hoãn và người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo sẽ đi đôi với nhau. Những người cầu toàn sẽ chẳng thấy việc hoàn thành một việc trong to-do list dù to hay nhỏ, dù khó khăn hay dễ dàng là một việc đáng được ăn mừng. Tuy nhiên thì, tự thưởng cho bản thân sau khi hoàn thành một việc gì đó luôn là một điều tốt vì bước ra khỏi vùng an toàn không bao giờ dễ dàng cả. Có rất nhiều cách để bạn tự thưởng cho chính mình, hãy chọn cách mà bạn thấy phù hợp nhất.
Nhớ rằng không phải sự trì hoãn nào cũng là xấu
Adam Grant từng cho rằng sự trì hoãn có thể phục vụ cho một mục đích hữu ích, bởi khi trì hoãn, chúng ta đồng thời cho phép bản thân tiếp nhận và xem xét những ý tưởng khác nhau. Và cuối cùng, sau khi “đong đưa” với những ý tưởng mới lạ, chúng ta sẽ có thái độ sẵn sàng để hoàn thành mọi công việc. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, sau khi trì hoãn một thời gian bạn cần dám chắc sẽ hoàn thành hết mọi công việc đã vạch ra ( chứ đừng quẳng chúng sang một bên nhé!)
Chung quy lại, vượt qua được sự trì hoãn há chẳng phải là điều dễ dàng. Bạn luôn cần sự can đảm và một thái độ nghiêm túc, một kế hoạch rõ ràng. Cố lên nào! Hãy xem như đây là một thử thách mà bạn cần vượt qua khi bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Chúc các bạn may mắn! ^^
Nguồn (Link bài viết): Psychology Today
Leave a Reply