Tiếng chim hót ríu rít.
Tiếng chổi tre xào xạc.
Tiếng bước chân chậm rãi của dăm ba nhà sư đi khất thực.
Những chiếc xe lướt nhanh trên phố vắng người.
Ánh đèn đường vàng vọt.
“Don’t take pictures of pigeons”
Sáng hôm đấy, tôi dậy lúc trời còn tờ mò, chập choạng tối. Mọi người vẫn đang miên man trong giấc mộng của riêng mình. Tôi ăn nhẹ bữa sáng rồi vác balo, máy ảnh và rảo bước vào phố cổ.
Quán xá chưa mở, cửa đóng im lìm, yên ắng. Dọc cả con phố vẫn còn nguyên ánh vàng của những bóng đèn LED chưa vội tắt hẳn để chào ngày mới. Thi thoảng, ở những ngã tư đường là bóng dáng vài ba nhà sư trẻ mặc áo cà sa, tay cầm bát đi khất thực. Sự tĩnh mịch khôn cùng của buổi sáng sớm tinh mơ làm dậy lên thực rõ tiếng chim hót ríu rít như đang cố gọi mặt trời thức giấc và tiếng chổi tre xát vào lá khô dưới nền đường kêu xào xạc. Dăm ba chiếc xe đang lao mình trên con đường vắng tanh, không hề vội vã nhưng dứt khoát, như muốn xé toạc một mảnh tĩnh lặng của buổi tinh mơ, chỉ mong vớ được chút âm thanh dù hư hao nhưng ít ra còn đỡ thấy mình lẻ bóng…
Cạnh bờ sông, ngay trước cổng Tha Phae, bây giờ đã xuất hiện thêm nhiều bóng hình mới đang tận hưởng cái lạnh hiếm hoi và cái bình yên chỉ tìm được khi cả thế giới đang say ngủ. Trời sáng hơn trông thấy, lộ rõ làn da xanh nom mỏng tang có lẫn sắc hồng nhàn nhạt, lác đác chứ không đều. Mặt nước tĩnh lặng, trong vắt in hình hàng liễu xanh. Bọn bồ câu đang mải mê tận hưởng những hạt cám đầu tiên của ngày mới. Liệu chúng thích sự tĩnh lặng của buổi sáng sớm hay thích bay nhảy, tung tăng với những đám đông ồn ào?
“Don’t take pictures of pigeons”
Một người đàn ông da trắng đạp xe ngang qua và cất tiếng khi thấy tôi đang xoay xoay chiếc máy ảnh.
Tay buông lơi, quả thực việc chụp ảnh lúc này thật thừa thãi và không nên chút nào. Lắm khoảnh khắc chỉ cần ngồi thật yên và ngắm là đã trọn vẹn lắm rồi. Một tiếng “tạch” phát ra từ chiếc máy ảnh, dù có khẽ khàng đến đâu cũng có thể làm mấy chú chim giật mình thảng thốt. Không dưng tôi thấy việc bắt lấy những khoảnh khắc đẹp chẳng có chiếc máy ảnh nào có thể thực hiện trọn vẹn hơn đôi mắt của chính mình.
Câu nói của người đàn ông kia khiến tôi nhớ tới đoạn hội thoại ngắn giữa Walter và Sean.
Trong một phút chốc, tôi nhận ra bản thân không hề muốn thuộc về một ai hay một nơi nào cả. Chùa Wat Chedi Luang, tôi đã mất 40 Baht mua vé vào chỉ để ngồi đây, dưới tán cây xanh, thẫn thờ nhìn vào những vị khách du lịch bận đủ kiểu quần áo hoa hoè khoe nụ cười tươi rói trước ống kính máy ảnh. Thực ra, trước khi va phải chỗ trú yên lành này, tôi đã đi ngắm và tranh thủ chụp được dăm tấm hình mà có lẽ chỉ với mục đích duy nhất, đấy là để bản thân (của những năm sau) vẫn còn nhớ rằng mình từng đặt chân đến nơi đây.
Ngắm một lượt ngôi chùa được xây 6 thế kỷ trước đang nằm sừng sững giữa đất trời, điều duy nhất tôi cảm nhận được là vẻ đẹp cổ kính, rêu phong của nó. Những đường nét chạm khắc công phu mang đậm phong cách Lanna vẫn còn thấy rõ mặc dù có một vài phần của ngôi chùa đã bị đổ nát do thiên tai, đại bác. Rồi cũng ngay chính giây phút đó, tôi nhận ra bản thân chẳng khác gì một kẻ cưỡi ngựa xem hoa, chỉ say sưa vẻ bề ngoài mà quên đi những giá trị thực sự đằng sau nó. Nguồn gốc, văn hoá, lịch sử, những câu chuyện, những con người, những giá trị tinh thần của ngôi chùa này là gì, tôi gần như không hề hiểu rõ. Tấm hình tôi chụp sẽ là cái gì đây khi chẳng thể kể nên được câu chuyện của chính nó cho những kẻ muốn nghe?
Ý định thăm chùa chiền ở Chiang Mai trong chuyến đi lần này dần biến mất, như chính những lời tôi nói với Julien hôm đấy – “Cháu không muốn đến thăm những ngôi chùa khi bản thân chưa tìm hiểu kỹ về lịch sử của nó. Có lẽ, lần này cháu chỉ nên đi với mục đích duy nhất là để hiểu hơn về mình mà thôi.”
Luciano là một cụ già gốc Ý với thân hình nhỏ nhắn và đôi mắt cười hiền lương thiện. Công việc hằng ngày của Luciano là đạp xe quanh phố cổ để tặng người lạ mặt đi ngang qua những cái ôm ấm áp. Ông năm nay đã 60 tuổi.
Sinh ra và lớn lên ở Mediona, Ý, Luciano trải qua thời niên thiếu của mình với những tổn thương từ chính gia đình mình và cả những mối quan hệ xung quanh. Từ khi còn rất nhỏ, Luciano luôn bị ruồng bỏ, xa lánh và chính điều ấy đã khiến ông chọn cuộc sống ẩn dật, cô độc về sau. Vào năm 30 tuổi, Luciano quyết định bán ngôi nhà của mình ở Ý và trong suốt 17 năm sau đó, ông đã chuyển đến sống ở Ấn độ. Luciano gần như không tiếp xúc với ai khi ở đây, ông dành phần lớn thời gian ở một mình trong thế giới của riêng ông.
10 năm về trước, ông quyết định đến Chiang Mai với hi vọng có thể chữa lành đôi chân của mình sau một vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ở Ấn. Vào một ngày trước Giáng sinh, trong chuyến đi điều trị ở Chiang mai, ông vô tình gặp một người đàn ông đến từ Anh và chính từ giây phút gặp người đàn ông này, cuộc đời Luciano không còn như trước nữa. Ngày hôm đấy, Tha Pae Gate đang tràn ngập không khí giáng sinh, Luciano ngồi một mình lặng lẽ giữa đám đông nhộn nhịp. Còn người đàn ông kia đang cùng những người bạn của mình trao gửi từng cái ôm tới người lạ mặt đang đi trên đường nhân dịp chào đón một năm nữa lại sang. Nhìn thấy Luciano ngồi đơn độc, anh ta đã rủ ông tham gia cùng. Nhưng ông ngay lập tức từ chối và bảo rằng, ông thích được ở một mình, ông không thích nói chuyện với ai cả. Bất chấp sự chối từ của Luciano, người đàn ông đã cố gắng thuyết phục ông và trao ông một cái ôm của mình. Rồi sau đấy, lần lượt từng người một đã trao cho Luciano cái ôm thật ấm của họ. Cảm nhận được điều diệu kỳ của những cái ôm dẫu đó là từ những người xa lạ, ngay ngày sau đó, Luciano đã quyết định tiếp tục ý tưởng này. Vậy là ngày ngày, với chiếc xe đạp nhỏ của mình, Luciano đi quanh cổng Tha Pae để trao cho mọi người những cái ôm ấm áp và chân thành nhất. Ông không còn quay lại Ấn độ nữa.
Tôi gặp Luciano vào một buổi chiều trời trong và xanh thăm thẳm đương lúc lang thang với những suy nghĩ không đầu không cuối của mình. Luciano có thân hình nhỏ bé, đôi mắt sâu, mái tóc nâu xoăn tít và một bộ râu dài. Luciano đi chiếc xe đạp ba bánh sơn đủ màu, trên giỏ có tờ giấy với hai chữ FREE HUG S được ép nhựa. Ông mặc chiếc áo đã sờn chỉ màu nâu đất với biểu tượng FREE HUGS in trước ngực và chiếc quần đủ màu sặc sỡ. Mọi thứ bên cạnh ông đều như muốn nói với người ta rằng, “Tôi có thể trao bạn một cái ôm. Hãy trả lại tôi một nụ cười nếu bạn có thể.”
Sau cả tiếng đồng hồ ngồi chuyện trò cùng Luciano, tôi ôm ông thật chặt rồi nói lời tạm biệt và rảo bước quay về hostel. Liệu Luciano có từng biết rằng, bản thân mình chính là một người chữa lành thực sự?
Tôi đi cùng Julien đến thác nước ở sau đại học Chiang Mai. Thác nước mát, trong veo và khá thưa người. Phía bờ bên kia thác nước là một bạn nam, dáng người hao hao Chris đang mải mê đọc sách dưới ánh nắng vàng ngọt của buổi chiều tà. Bạn đang đọc một cuốn gì đó thật chăm chú, cảm giác như với bạn, chính khoảnh khắc đấy, mọi thứ xung quanh không còn tồn tại.
Sau khi chờ Julien tắm xong, chúng tôi đi quanh mọi ngõ ngách trong khu vực thác nước để nhặt rác rồi quay về. Julien bảo, thi thoảng, chú với một nhóm bạn có tổ chức các buổi dọn rác dọc mấy con sông và cả quanh khu thác nước này nữa. Hôm đấy, tôi buộc phải dùng đến chiếc túi đi chợ (đã rách bươm) của mình để đựng rác vì lượng rác gom được nhiều hơn chúng tôi nghĩ. Lúc xuống tới chân thác, mặt trời đã khuất hẳn sau rặng núi già.
Just be,
(Trích Travel Journal – Chiang Mai, 2018.11)
Leave a Reply